Xây nhà bao gồm những giai đoạn nào
Xây nhà thế nào luôn là chủ đề được rất nhiều gia đình quan tâm khi quyết định xây nhà thay vì mua nhà. Việc xây nhà sẽ theo những mong muốn, những ý định riêng của chủ nhà, kiểm soát được vật liệu và chất lượng công trình. Chủ nhà sẽ hài lòng và yên tâm hơn rất nhiều nhưng bù lại thời gian, công sức bỏ vào công việc trọng đại này không hề ít.

Trong bài viết này, nội thất Chim Gõ Gỗ sẽ tập trung vào các bước xây nhà từ lúc đi tìm kiếm mảnh đất cho đến khi hoàn thiện một căn nhà, việc làm này sẽ giúp những gia đình đang có ý định xây nhà nắm được tổng thể những việc cần làm khi quyết định xây dựng nhà cửa cho riêng mình.
1. Lập kế hoạch
Khi gia đình có ý định xây nhà, việc đầu tiên và cũng là hết sức quan trọng đó là lập kế hoạch. Việc lập kế hoạch giúp gia đình nắm bắt được 2 yếu tố cần thiết như sau:
Liệt kê những việc cần làm, điều này sẽ giúp không bị sót việc. Xác định được việc gì cần làm trước, việc gì cần làm sau. Nhà theo những hướng nào là phù hợp với mệnh của gia chủ
Dự toán được mức đầu tư, với mức đầu tư đó sẽ mua đất và xây nhà được ở những khu vực nào, xây bao nhiêu tầng, sử dụng chủng loại vật liệu gì là phù hợp, vv… thông qua

2. Tìm mua đất
Để giảm thời gian đi tìm kiếm nhà và có vị trí phù hợp với mức đầu tư tài chính, việc lựa chọn đơn vị môi giới Bất động sản hay cá nhân môi giới uy tín là điều hết sức cần thiết. Tùy theo mục đích mua đất mà ngoài những lưu ý về tình trạng khu đất như: Hướng, đường đi lại, điện nước, phong thủy (đường đâm, thóp hậu, miếu chùa, vv…) thì bạn cũng cần quan tâm đến các tiện ích xung quanh, đặc biệt là tính pháp lý (hợp pháp và được phép xây dựng).
Đất xây nhà phù hợp nên có kích thước chiều rộng bằng khoảng 2/3 chiều dài. Kích thước này vừa có thể phù hợp cho việc xây dựng nhà biệt thự lại vừa có thể áp dụng cho nhà ống, nhà phố mà không bị chênh lệch quá nhiều.

3. Lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế
Tại bước này, gia đình sẽ tiến hành lên sơ bộ những ý tưởng cơ bản dành cho ngôi nhà, công năng sử dụng, phong cách kiến trúc, vv… và tìm kiếm đơn vị tư vấn thiết kế uy tín với các thông tin tham khảo như: Kinh nghiệm thiết kế các công trình; Uy tín của đơn vị; Quy mô của đơn vị; Phản hồi từ phía khách hàng; Gía cả, đơn giá thiết kế; Những sản phẩm thực tế, vv… để biến những ý tưởng của chủ nhà thành hiện thực và đạt tính chất lượng, thẩm mỹ cao nhất.

Thiết kế kiến trúc
Nhờ đơn vị thiết kế mà gia đình sẽ cùng thống nhất về phần thiết kế kiến trúc để từ đó có được những bản vẽ và bộ hồ sơ thiết kế đầy đủ để xin cấp phép xây dựng. Trong phần thiết kế kiến trúc, các yếu tố về mặt hình thức ngoại thất, số lượng các gian phòng, công năng của ngôi nhà, cách bố trí các phòng, cầu thang, giếng trời bên trong ngôi nhà cũng cần phải hết sức lưu ý.
Những nội dung cần phải lưu ý phục vụ hồ sơ xin cấp phép xây dựng như Quy định về độ cao, phần nhô ra ngoài đường, % diện tích đất được xây, quy định về kiến trúc, quy định về tác động đến các công trình xung quanh hàng xóm, vv… cần được chia sẻ cho đơn vị thiết kế kiến trúc nắm được.
Thiết kế kết cấu
Những kỹ sư của đơn vị thiết kế này sẽ đưa ra phương án bố trí thép, dầm, cột… tại công trình. Công việc này cần được thực hiện nghiêm túc và cẩn thận để đảm bảo khả năng chịu lực của ngôi nhà.
Thiết kế điện nước
Hệ thống điện nước cũng được thiết kế sao cho thật hiện đại, tiện nghi, đảm bảo tính ổn định và vận hành lâu dài trong căn nhà trong suốt thời gian sử dụng. Việc thiết kế cũng cần tính toán đến những thời điểm sử dụng hết công suất của cả gia đình và có tính dự phòng nhất định.
4. Xin cấp phép xây dựng
Để được phép xây dựng, các gia đình cần đảm bảo đủ các điều kiện như sau:
Mảnh đất xây nhà được cấp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và được cấp phép xây dựng.
Một bộ hồ sơ thiết kế xin phép xây dựng của một đơn vị tư vấn thiết kế đủ tư cách pháp nhân.

5. Thi công xây dựng
Chọn thời gian thi công xây dựng phù hợp
Việc xây nhà cần phải được ấn định vào một thời gian nhất định. Thời gian này nên nằm trong năm tốt, tháng tốt, ngày tốt và giờ tốt dựa trên tuổi của gia chủ. Thời gian xây nhà không nên thực hiện trong nhiều năm (2 năm trở nên), hạn chế xây nhà vào mùa ẩm ướt, mưa nhiều, đặc biệt là mùa mưa bão.
Những tháng trong năm thích hợp để xây nhà như: Tháng 2 – 3 âm lịch (thi công khô ráo, ít bị ẩm ướt, đổ bê tông nhanh, tiến độ thi công nhanh, tránh mùa bão); Tháng 4 – 6 âm lịch (bắt đầu mùa mưa, độ ẩm an toàn trên bề mặt bê tông, có thể kiểm tra thi công chống thấm, thoát nước); Tháng 8 – 9 âm lịch (nắng chưa quá gắt, có thể còn mưa giữ độ ẩm, thi công ít bụi).

Lựa chọn đơn vị thi công
Việc lựa chọn đơn vị thi công cũng tương tự như lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế. Ta nên căn cứ vào kinh nghiệm, năng lực và uy tín của đơn vị đó để làm cơ sở lựa chọn.
Chuẩn bị vật tư vật liệu
Sau quá trình thiết kế từ kiến trúc, kết cấu đến điện nước, gia đình có thể nắm được những loại vật tư, vật liệu cần thiết cho quá trình xây dựng và hoàn thiện của công trình. Và, đó chính là căn cứ giúp gia đình có thể chuẩn bị đầy đủ và chính xác nhất.

Xem xét, nghi nhận hiện trạng của những công trình lân cận
Đối với các công trình xây xen kẽ, trước khi khởi công xây dựng, gia đình cần phải lập hồ sơ hiện trạng các nhà lân cận để làm cơ sở giải quyết khiếu nại khi xảy ra hư hỏng công trình lân cận. Hồ sơ này phải có sự xác nhận của các bên và có thể lập bằng cách đo vẽ, lập sơ đồ.

Thi công phần thô
Phần khung, phần kết cấu, phần chịu lực chính của ngôi nhà sẽ được thực hiện theo các bước sau:
Làm móng (đào đất, đắp đất, gia công cốp pha, cốt thép, đổ bê tông) : Móng được chọn theo phương án móng phù hợp nhất với tải trọng của công trình, phù hợp nhất với nền đất xây dựng.
Làm phần thân (gia công cốp pha, cốt thép, đổ bê tông, xây tường, vv… ). Công việc này cần phải thực hiện cẩn thận, tỷ mỷ để đảm bảo độ bền, tính thẩm mỹ cho công trình.
Làm phần mái (mái bằng bê tông cốt thép) cần lưu ý quy trình chống thấm, chống nóng và chống ồn. Trường hợp hệ thống mái dốc lợp ngói, có 4 phương án thi công: kèo, lợp ngói (đơn giản và kinh phi thấp nhất); đổ bê tông mái bằng sau đó làm vì kèo lợp ngói (được sử dụng nhiều nhất và có chi phí cao hơn); Đổ bê tông mái dốc sau đó lợp ngói (chi phí cao hơn); đổ bê tông mái bằng, mái dốc sau đó dán ngói lên bề mặt bê tông mái dốc (đảm bảo khả năng chống nóng, chống thấm, chống ồn tốt nhất nhưng chi phí cao nhất).
Lắp đặt khung cửa và tiến hành lắp đặt hệ thống điện, đường điện, mạng, cáp, hệ thống cấp và thoát nước.

Thi công hoàn thiện và đưa vào sử dụng
Đa phần những công việc hoàn thiện được thực hiện trong nhà, tuy nhiên chúng ta cũng cần chú ý đến yếu tố thời tiết (nhiệt độ, độ ẩm) để tăng tính ổn định cho ngôi nhà, các công việc bị ảnh hưởng nhiều như sơn trong, ngoài nhà; bả tường trần, vv…
Nội thất sau khi được may đo, đo đạc theo thực tế cũng được mang đến lắp đặt theo như thống nhất giữa gia đình và các đơn vị thi công thiết kế nội thất.

Vậy là chúng ta vừa trải qua 5 bước xây dựng một căn nhà phố hay nhà ống với diện tích dưới 300m2. Nội thất Chim Gõ Gỗ sẽ tiếp tục cập nhật tới các gia đình những thông tin hữu ích khác liên quan đến việc xây dựng tổ ấm.
Mọi chi tiết xin liên hệ: Hotline (zalo) 0866 727 167. Fb: CggFurnit. Website: noithatcgg.com